Kiến thức phong thủy cho nhà ở hiện đại mới nhất - Điện máy kim biên

Kiến thức phong thủy cho nhà ở hiện đại mới nhất

KIẾN THỨC PHONG THỦY CHO NHÀ Ở HIỆN ĐẠI

Phong thủy truyền thống được sử dụng chủ yếu trong các công việc lựa chọn địa điểm, xây dựng, thiết kế… các công trình kiến trúc. Khoa học phong thủy bao hàm rất nhiều các phương diện trên tất cả các lĩnh vực như triết học, mỹ học, địa chất, địa lý , sinh thái, cảnh quan… và còn bao gồm cả hệ thống lý luận giúp con người sống hài hòa với thiên nhiên, thuận theo tự nhiên. Ngoài ra, phong thủy còn là sự kết hợp hoàn hảo giữa các quan niệm về vũ trụ, tự nhiên, nhân sinh, các quan niệm triết học giữa thủy và khí, quan niệm âm dương… 

Điều cơ bản nhất của lý luận phong thủy là làm thế nào để con người điều hòa được thiên nhiên, sống trong mối quan hệ với thiên nhiên. Và đây cũng chính là điều cốt yếu “Thiên nhân hợp nhất” trong vũ trụ quan. Phong thủy chủ trương “lấy thiên nhiên làm trọng” có nghĩa là các hành vi của con người nên thuận theo thiên đạo, lấy tự nhiên làm cốt. Con người nếu chọn cách chung sống hài hòa với thiên nhiên thì nhất định sẽ được thiên nhiên mang lại những điều tốt lành, cuộc sống được no ấm, hạnh phúc. 

Qua thực tiễn nghiên cứu tìm hiểu về phong thuỷ chúng tôi đã đúc kết những kinh nghiệm thực tế và tổng hợp nên nội dung này. Nội dung chủ yếu của nó liên quan đến nhiều phương diện như việc trang trí nhà cửa, biệt thự, phòng làm việc, cửa hàng, quán bar, quán trà, nơi vui chơi giải trí…, đồng thời xuất phát từ góc độ mỹ thuật hiện đại tiến hành phân tích và tổng kết toàn diện về vấn đề phong thuỷ của những phương diện kể trên.

Phong thuỷ là gì?

Văn hoá truyền thống Trung Quốc lấy “ Thiên nhân tương ứng, thiên nhân hợp nhất” làm trung tâm, con người và tự nhiên luôn có mối quan hệ chặt chẽ, ảnh hưởng qua lại lẫn nhau, là một chỉnh thể không thể tách rời. Người xưa rất coi trọng môi trường và không gian thiên nhiên xung quanh, bao gồm cả những ảnh hưởng của kiến trúc nhà ở đối với con người, từ đó tạo thành một quan niệm lí luận phong thuỷ độc đáo.

Con người là trung tâm của vũ trụ, thuyết Tam tài của triết học phương Đông là Thiên – Địa – Nhân. Con người chính là sản phẩm hoàn chỉnh nhất của tự nhiên và là trung tâm của trời đất. 

Có trời có đất rồi qua sự phát triển vận động mà tạo nên con người như một vũ trụ thu nhỏ. Chính vì con người là một sản phẩm của tự nhiên và sẽ phải chịu sự chi phối của tự nhiên. 

Cũng giống như các sinh vật khác trên trái đất đều phải chịu sự chi phối của thiên nhiên và môi trường xung quanh chúng. 

Trong phong thuỷ có không ít nội dung tưởng như là mơ hồ, vụn vặt nhưng khi trải qua quá trình nghiên cứu thì đây là sự manh nha của khoa học nguyên thuỷ và được con người ngày nay trân trọng, kế thừa, phát huy và loại bỏ những yếu tố mê tín, đồng thời chúng ta tiến hành phân tích trên phương diện khoa học. 

Phong thuỷ là một hệ thống lý luận học thuật tương đối phức tạp, chúng ta cũng không thể không thừa nhận là trong đó có một vài yếu tố tâm linh tồn tại trong phong thuỷ. Phong thuỷ bao gồm hai yếu tố lớn là thị giác và trí giác. Ví dụ như phong thuỷ yêu cầu sự hoàn chỉnh, thống nhất; kỵ với những gì lộn xộn, vỡ nát; hay yêu cầu sự khác biệt giữa cái chính và cái phụ, đòi hỏi tính cân bằng, ổn định cho thị giác, trí giác. 

Ngày nay, việc xây dựng một căn nhà không chỉ phải đáp ứng sự thoải mái, mỹ quan mà còn phải tuân thủ theo một số qui tắc phong thuỷ nhà ở nhất định.

Nguyên tắc trong phong thuỷ là gì?

Nguyên tắc hệ thống 

Lí luận phong thuỷ coi môi trường là một hệ thống hoàn chỉnh.

Hệ thống này lấy con người làm trung tâm và bao gồm cả đất trời vạn vật. Các yếu tố bên trong môi trường bao giờ cũng có quan hệ mật thiết với nhau, điều tiết cho nhau, tồn tại độc lập với nhau, đối lập nhau nhưng lại có thể chuyển hoá cho nhau. Chức năng của phong thuỷ là điều tiết các mối quan hệ, ưu việt hoá kết cấu, tìm ra phương pháp kết hợp tốt nhất trên góc độ vĩ mô. 

Nguyên tắc ứng dụng 

Căn cứ vào tính khách quan của môi trường xung quanh, tìm ra những phương pháp thích hợp với phương thức sinh sống hài hoà với thiên nhiên. Trung Quốc có diện tích đất đai rộng lớn, khí hậu các vùng rất khác biệt, thổ chất cũng không giống nhau, do đó kiểu cách kiến trúc đương nhiên không thể trùng lặp. Nhà vùng Tây Bắc thì thấp, nhà phương Nam thì nhiều tầng…đây đều là ví dụ cho sự thích ứng với môi trường tự nhiên. 

Nguyên tắc bảo vệ môi trường 

Thân thiện với thiên nhiên, dựa vào núi, kề vào sông là một trong những nguyên tắc cơ bản của phong thuỷ học. Sơn là xương cốt của đất, thuỷ là khởi nguyên sự sống của vạn vật. 

Người xưa coi địa thế được bọc trong thuỷ, có sơn bao quanh là một địa thế lí tưởng. Điều này tất nhiên có liên quan đến khí hậu, môi trường sinh sống tồn tại của thời cổ. Sống ở nơi này nhận được thức ăn, cây cỏ một cách tự nhiên rất có ý nghĩa với việc bảo vệ sinh thái môi trường. 

Những căn phòng hướng Nam cũng là một ví dụ cho nguyên tắc bảo vệ môi trường. Phòng hướng Nam nhận được ánh sáng mặt trời, tránh gió và thuận ứng với thiên đạo, có linh khí của núi, là chỗ địa linh sinh nhân kiệt. Phong thuỷ học coi trọng hướng núi thế đất, đặt cái nhỏ trong cái lớn để suy xét. 

Nguyên tắc phòng tránh 

Trong phong thuỷ có hai yếu tố tạo nên hung là yếu tố con người và ngoại cảnh. Trong đó, có rất nhiều trường hợp chỉ có thể dùng nguyên tắc phòng tránh để chuyển hoá. Ví dụ nếu căn nhà nằm vào dòng chảy của sông, trạch cơ không ổn định, dễ bị thuỷ tai thì chỉ có cách duy nhất là chuyển nhà ra nơi khác hoặc không dựng nhà ở những chỗ như vậy. 

Phong thủy chọn lành tránh dữ của nhà bếp

Nguyên tắc âm dương 

Nguyên tắc âm dương

Theo phong thuỷ thì vật gì cũng có hai thuộc tính âm và dương, có chính sẽ có phụ, có đen sẽ có trắng, có lạnh sẽ có nóng, có sơn sẽ có thuỷ… 

Làm việc gì mà đạt được cân bằng âm dương sẽ được gọi là trung dung chi đạo. Trung dung là phối hợp hoàn hảo, không thiên không lệch, không to không nhỏ, không cao không thấp. 

Phương hướng phải phù hợp với thế đất, diện tích nhà to hay nhỏ cũng phải phù hợp với nhau. Nhà to mà người ít hay nhà nhỏ người nhiều thì đều không cát. Nhà nhỏ cửa to, nhà to cửa nhỏ cũng không tốt do mất sự cân đối về mỹ quan thẩm mỹ. 

Việc điều tiết, thay đổi trong phong thuỷ cũng phải lấy trung dung làm trọng. Phải chú ý đến sự hài hoà, thân thiện trong mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên, phải dựa vào thiên nhiên, có sự thích hợp khi điều hoà thiên nhiên. Vì nếu có sự can thiệp vào thiên nhiên một cách thái quá thì sẽ phản tác dụng, tất yếu sẽ nhận lại sự phản ứng của tự nhiên.

Tại sao nói ảnh hưởng của phong thuỷ đối với con người là sự tồn tại khách quan? 

Người ta thường nói “Nhân kiệt chi linh”, “Nhất phương thuỷ thổ dưỡng nhất phương nhân” (Đất nơi nào thì tốt cho người nơi ấy), “Người Bắc hào hoa, người Nam tuấn kiệt”, điều này có nghĩa là ảnh hưởng của phong thuỷ địa lí đối với con người là tồn tại khách quan. Bởi vì, địa lí cũng có nghĩa là khí độ, khí chất và khí thế.

Con người cũng như vậy, có người tính hiền hoà, thanh cao, có người tính khô khan, hoặc thượng võ, anh hùng, hoặc tiểu nhân… Nơi dương khí vượng sản sinh ra con người anh hùng hào kiệt, nơi dương khí hài hoà sản sinh ra con người văn phong nho nhã. Ngược lại, nơi dương khí không tốt sẽ tạo ra con người nhỏ nhen, xảo quyệt, dâm ô thác loạn… Từ đó có thể thấy sự ảnh hưởng của phong thuỷ đối với con người thật sự tồn tại. 

Phong thuỷ và thiết kế nhà ở có quan hệ như thế nào?

Phong thủy thiết kế nhà ở

Thiết kế nhà ở và phong thuỷ nhà giống như cơ thể con người, không gian phòng giống như đường khí quản. Khí phải được lưu thông một cách cân bằng giữa các phòng trong nhà, từ cửa chính đến phòng ngủ, phòng khách, thư phòng, nhà bếp, không khí phải được dễ dàng lưu chuyển. Cửa chính và các cửa sổ lại giống như mũi và miệng của mỗi phòng, có tác dụng dẫn mở khí giữa bên ngoài và bên trong phòng.

Không khí đi qua cửa ra vào, cửa sổ, qua tường ngăn, bình phong, đồ nội thất và các đồ đạc khác trong nhà đều có ảnh hưởng nhất định đến mỗi khu vực không gian, từ đó người sống trong nhà mới hít thở được khí dưỡng và có được sự khỏe mạnh cân bằng. Loại khí này không được quá mạnh cũng không được quá yếu, mà nên có sự hài hoà, ổn định. 

Khung cảnh trong và ngoài nhà có quan hệ gì với nhau? 

Môi trường bên ngoài nhà ở có cát lành thì không gian sống trong nhà mới càng được hưởng sự cát lành đó và người sống bên trong nhà mới tích tụ và phát huy thêm được cát và vượng của mình. “Cát thượng gia cát, vượng thượng gia vượng”. Nếu khung cảnh bên ngoài không thích hợp, sự bố trí đồ đạc, không gian trong nhà cũng không hợp phong thuỷ thì sẽ không có lợi cho sự phát triển của con người.

Ngoài ra, môi trường bên ngoài không tốt lành, nhưng bố cục trong nhà lại hợp phong thuỷ, thì gia chủ sẽ phải trải qua gian khổ trước mới được nếm ngọt bùi sau này. Do đó, cũng có thể an cư ở nơi đây. Hơn nữa nếu sinh sống trong một thời gian dài, gia chủ sẽ ngày càng gặp được nhiều may mắn.

Từ những phương diện trên có thể thấy được phong thuỷ cư gia không chỉ phải xem xét đến bố cục bên trong ngôi nhà, mà môi trường sống bên ngoài cũng có vai trò rất quan trọng. Hai mặt này có liên quan chặt chẽ với nhau. Sự cát và quan hệ giữa chúng sẽ quyết định cho việc có nên sinh sống tại nơi đó hay không.

Nói con người có thể phát huy tính chủ động để điều tiết phong thuỷ? Đúng hay sai? Tại sao?

Mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên đầu tiên là phải trải qua giai đoạn con người phụ thuộc vào thiên nhiên. Vào thời cổ đại, nếu đem so sánh sức mạnh của con người và thiên nhiên thì sẽ thấy rằng, thiên nhiên vô cùng mạnh mẽ, lớn lao; còn loài người chỉ là một sinh linh bé nhỏ, yếu ớt. Con người mãi mãi sẽ bị khuất phục trước thiên nhiên. Người Trung Quốc cổ đại đã đề ra “trời đất hợp nhất”, bao gồm “trời, đất, con người” ba yếu tố đó phải hoà hợp, thống nhất. Con người phải thuận theo quy luật của tự nhiên. 

Trong quá trình tìm hiểu thiên nhiên, trong một khoảng thời gian rất dài trải qua nhiều quan sát, thể nghiệm, con người đã không ngừng tích lũy cho mình rất nhiều kiến thức, kinh nghiệm, những hiểu biết về tự nhiên. Bao gồm cả những hiểu biết về các yếu tố tốt lành và không tốt lành trong thế giới thiên nhiên. Và những người cổ đại qua những hiểu biết về quy luật vũ trụ, đã tìm ra “khí” có lợi và phù hợp với con người. Từ đó vận dụng vào việc xây nhà, táng mộ và trong những công việc khác, dùng sức mạnh của chính mình để biến đổi thiên nhiên. 

Con người là tâm linh, là sự tinh túy của vạn vật, con người có thể phát huy tính chủ động của mình để làm thay đổi và điều tiết môi trường, thiên nhiên xung quanh. Đồng thời hoàn toàn có thể vận dụng những yếu tố cát lành để làm tăng sức mạnh và tìm được hạnh phúc trong cuộc sống. 

Thấp độ và ôn độ trong phong thuỷ là gì? 

Ngày trước các nhà phong thuỷ thường rất coi trọng hướng nhà và hướng ánh nắng mặt trời chiếu vào trong nhà. Họ thường yêu cầu là nhà phải theo hướng hướng ra ánh nắng và kỵ những ngôi nhà xây quay lưng lại với mặt trời. Trong phong thuỷ, ngoài những yêu cầu về hướng nhà và các điều kiện vệ sinh khác, còn có những yêu cầu gắt gao về độ ẩm và nhiệt độ trong nhà. Nhà có nhiệt độ quá cao hoặc quá thấp đều không có lợi và mang đến những hậu quả không lường trước được. 

Nhiệt độ trong nhà phải vừa đủ để giữ cho nhiệt độ cơ thể người sống trong nhà luôn giữ được mức cân bằng, không để cho cơ thể con người phải điều tiết thân nhiệt quá sức trong thời gian dài. Một nhiệt độ thích hợp sẽ có lợi cho hiệu quả công việc và cho giấc ngủ. Duy trì nhiệt độ cân bằng và điều tiết thân nhiệt làm việc ở mức độ bình thường là điều con người luôn phải chú ý.

Điều này có nghĩa là nhiệt lượng, thân nhiệt, nhiệt độ da, sự toát mồ hôi, cảm giác nóng bức và những trạng thái sinh lí khác khi con người hoạt động phải được bảo đảm, không được vượt quá giới hạn cho phép. Do đó, mỗi một yếu tố trong nhà, trong một phạm vi nào đó phải đảm bảo được tính ổn định theo thời gian. 

Thông qua thực nghiệm và lý luận, có thể thấy rằng vào mùa hè nhiệt độ trong nhà thích hợp là từ 21-32 độ C và nhiệt độ hoàn hảo nhất là từ 24-26 độ C. Vào mùa đông, nhiệt độ lý tưởng nhất là 19-24 độ C. Nếu nhiệt độ là 18-20 độ C, độ ẩm là 60% thì đó cũng có thể coi là con số hợp lí. Hiện nay, nhìn chung nhiệt độ trái đất đang ấm dần lên, nhiệt độ trong phòng cũng theo đó mà tăng lên. Nên đặt ra yêu cầu nhiệt độ phòng ngủ phải từ 22-23 độ C thì nhiệt độ phòng ăn từ 20-22 độ C. Nhà bếp do sản sinh ra nhiệt độ nóng, do đó cần giữ nhiệt độ ở mức 20 độ C. 

Thông thường độ ẩm cao sẽ tác động làm cơ thể giải phóng nhiệt lượng, dẫn đến thân nhiệt bị giảm, hoạt động của hệ thống thần kinh và các hệ thống khác cũng bị giảm theo. Do đó, sẽ xuất hiện nhiều trạng thái bệnh lí. Nếu sinh sống một thời gian dài trong môi trường lạnh lẽo, ẩm thấp thì rất dễ mắc phải các bệnh như cảm mạo, phong hàn, thấp khớp… Ngược lại một môi trường quá khô hanh cũng không tốt cho sức khỏe con người.

Đứng trên góc độ y học, không khí khô hanh và bệnh đau họng có quan hệ rất mật thiết với nhau. Cuối cùng có thể rút ra là độ ẩm lí tưởng trong nhà nên đạt 30-65%.

Dùng cây cảnh như thế nào để cải biến phong thuỷ nhà ở? 

Cây cảnh giúp cải biến phong thủy nhà ở

Mệnh lí bao gồm sự tương sinh, tương khắc giữa không khí, môi trường, thiên nhiên, nhiệt độ. Thiếu yếu tố nào phải bổ sung yếu tố đó. Khắc cái gì phải hoá giải cái đó. Ngoài việc dùng cách đặt tên để hoá giải phong thuỷ, bạn còn có thể lợi dụng cây cảnh, các loại cây xanh để cái biến phong thuỷ của mình, làm cho nó “phong sinh, thuỷ khởi”.

Có thể sử dụng các loại cây trồng đơn giản để đạt được mục đích cải biến phong thuỷ, hơn nữa còn làm đẹp cho môi trường xung quanh, tốt cho không khí. Cây trồng được phân thành năm loại lớn mang tính: Kim, Mộc, Thuỷ, Hoả, Thổ. Căn cứ vào quang cảnh nhà và phong thuỷ mỗi người mà có sự lựa chọn loại cây trồng thích hợp. 

Kim: Hợp với những loại cây hoa có màu vàng. Trong đó, thích hợp nhất là cây phát tài, sơn trúc, cam… 

Mộc: Hợp với những có màu xanh và phải chọn loại cây trồng xuống đất, mang ý nghĩa “phát”.Ví dụ: cây bảo thạch, trúc nhật… 

Thuỷ: Hợp với những cây được trồng bằng nước nên đựng trong bình có màu xanh, bằng kính trong suốt. Ví dụ như vạn niên thanh, trúc khai vận…. 

Hoả: Hợp với những cây đơm hoa kết trái, nên trồng trong bồn hoặc chậu có màu đỏ. Ví dụ: Lan hồ điệp, hoa phong tiên… 

Thổ: Hợp với những cây chịu được ánh mặt trời, thích hợp trồng trong chậu có màu đen hoặc chậu bằng đá. Ví dụ như: cây xương rồng… 

Trong sự vận dụng phong thuỷ, cây cối thường được dùng để nâng cao vượng khí, hoá giải tà khí. Mỗi loại cây khác nhau có một ý nghĩa và tác dụng khác nhau. 

Các phương pháp điều tiết phong thuỷ nhà ở là gì? 

Các cách hoá giải, điều tiết phong thuỷ cho nhà ở có rất nhiều, ví dụ như: đổi cửa, dời bếp nấu, chuyển phòng ngủ, di giường, treo chuông gió ở vị trí không cát lành hoặc đặt bồn nước ở điểm tốt lành… Dưới đây xin được giới thiệu hai phương pháp hiệu quả trong việc điều tiết phong thuỷ:

Chỉnh sửa cửa ra vào

– Đối với nhà có hướng không tốt, không có cát vận thì không nên sử dụng cửa chính vì hướng cửa chính không mang lại may mắn. Mà nên mở một cửa hậu hoặc cửa ngách theo hướng cát lành để đi lại. Như vậy là đã hoá giải được điều xấu. 

– Đối với cửa hướng có phương không cát lợi thì có thể sử dụng một mẹo nhỏ là cố ý làm cho cửa hơi có độ nghiêng. Nhưng cần chú ý là cửa chỉ được nghiêng đi một góc nhỏ, nếu không sẽ trông mất thẩm mỹ, rất khó coi và cũng không đẹp. 

Tự tạo ra hảo vận 

Khi chọn được một căn nhà, trước khi chuyển đến nên trang trí, sơn quét lại và cũng có thể sửa chữa cửa cho hợp lí. Đối với những căn nhà ngói cũ thì nên dỡ ngói ở trên đỉnh nóc ra, cho ánh nắng mặt trời chiếu rọi vào trong nhà, đợi sau 49- 60 ngày lại gắn ngói liền như cũ, sau đó tiến hành khai lửa bình thường như đối với một ngôi nhà mới. Làm như vậy có thể cải biến được trạch vận của ngôi nhà, làm cho nó trở thành giống như hoàn toàn mới vậy. 

Những điểm cần lưu ý trong bố cục nhà ở là gì? 

Nhà dương trạch có tam yếu là: Môn, phòng, táo và sáu điều: Môn, Lộ, Táo, Tỉnh(giếng), Khanh, Xí (WC) đều là những nơi có tính quan trọng trong bố cục nhà ở. Sự bố cục có hợp lí hay không là do cách điều tiết, cải biến những điều cát hung trong nhà. 

Môn: Là cửa dẫn khí vào nhà, thích hợp mở ở những nơi cát lành, hướng hưng vượng. Nhưng do đặc điểm các nhà trong thành phố hiện nay đã có hướng cố định, không dễ gì thay đổi hướng cửa chính, nên chỉ có thể dựa vào sự linh động trong hướng nhà, hoặc làm cửa cho to hơn mà thôi. Có điều cũng có thể sử dụng ban công để làm trợ thủ cho việc dẫn khí vào nhà, nhưng phải chú ý không được để cửa lớn đối diện thẳng trực tiếp ra ban công. Vì như vậy không những không thu nạp được khí đi từ ban công vào mà còn làm huỷ hoại cân tài. 

Phòng: Nơi ở của chủ nhà. Phòng chính trong nhà thích hợp được bố trí vào vị trí sinh vượng cát. Có như vậy tinh lực con người mới khỏe khoắn, sự nghiệp mới thuận lợi. Nếu sắp xếp vào vị trí hung thì con người hay mắc phải bệnh tật, sinh lực yếu ớt, dẫn đến sự nghiệp gián đoạn, khó tránh được sự hao hụt tài vận. 

Táo: Là nơi thể hiện sự hưng vượng của cả ngôi nhà và cũng là nơi đánh giá được sự tài phúc trong nhà. Sự hưng vượng của bếp có ảnh hưởng rất mật thiết với cát hung của ngôi nhà. 

Lộ: Chỉ các đường đi lối dẫn ở trong nội bộ nhà. Lộ quy định sự vận hành của khí trong nhà. Trong phong thuỷ nó có ảnh hưởng đến khí trong nhà là cát hay là hung. Không được đặt các vật cản, làm trở ngại hướng đi của lộ, vì phải đảm bảo được sự lưu thông của khí được thuận lợi, thông suốt trong nhà. Làm cho ngôi nhà lúc nào cũng được tràn ngập sinh khí, tài khí. Có cát khí thì mới có tài, hung khí thì sẽ huỷ tài. 

Tỉnh (giếng): Ngày nay những ngôi nhà trong thành phố, không tồn tại giếng nữa, do vậy có thể bỏ qua vấn đề này. 

Khanh: Là để chỉ vị trí của giường. Vị trí kê giường có liên quan trực tiếp đến tài vận và sức khoẻ của con người.

Xí: Trong phong thuỷ còn được gọi là khứ thuỷ. Vị trí của xí có hợp lý hay không đều quan hệ đến sự tích tụ tài trong nhà. Nếu bố trí xí sai vị trí thì tài sẽ bị chặn hoặc bị mất đi.

Thuật phong thuỷ trong ngoại cảnh nhà ở  “Chư vu nội hình chi vu ngoại”, chỉ cần thông qua bố cục kết cấu, thậm chí là đặc điểm hình dáng của bức tường bên ngoài cũng có thể nắm bắt được một cách chính xác phong thuỷ của ngôi nhà đó như. 

Ngoại cảnh nhà ở có ảnh hưởng như thế nào đến phong thuỷ? 

Phong thủy ngoại cảnh đối với nhà ở

Nhìn qua ngũ quan một người có thể nhận biết được một phần nào tính cách của người đó, là một người quân tử nhân nghĩa, đức độ hay là một kẻ tiểu nhân, hèn kém xảo quyệt… Do đó, ngắm nhìn hình dạng kết cấu của một ngôi nhà, cho dù chỉ là đặc điểm bức tường ở bên ngoài thì cũng có thể có được những nhận xét khá chính xác về phong thuỷ của ngôi nhà đó.

Thông thường người lành thì đất cũng lành, những người có phúc phận tốt, không phải tốn công sức nhiều mà lại rất dễ tìm được một ngôi nhà có phong thuỷ tốt lành. Đối với những người phúc phận chỉ ở dạng thường thường bậc trung thì nên quan tâm nhiều hơn đến phong thuỷ cho ngôi nhà của mình. 

Cách để nhận biết phương hướng phòng như thế nào? 

Cơ bản, có hai loại định nghĩa về hướng của ngôi nhà. Cách thứ nhất là lấy hướng cửa làm hướng cho cả nhà. Cách thứ hai là lấy hướng của bề mặt đón được ánh sáng mặt trời nhiều nhất làm hướng nhà. Cách đầu tiên dựa trên lí luận định nghĩa hướng nhà theo quan niệm kiến trúc truyền thống cổ Trung Quốc. Cách định nghĩa này có nguồn gốc sâu xa từ khi con người còn đang sinh sống, cư trú trong các hang động. Vì cửa hang là nơi đón ánh sáng mặt trời và là nơi dẫn khí vào hang nên hướng cửa hang được chọn làm hướng của cả chỗ ở. 

Theo kiến trúc truyền thống cổ Trung quốc, hướng của cửa chính đều được dựa theo hướng của đường đi. Người thích tĩnh thì “toạ”, người thích động thì “hướng”. Tĩnh thuộc âm, động thuộc dương, Những người trầm tư, yên phận thuộc âm, những người thích hoạt động náo nhiệt thuộc dương. Nếu lấy phía mặt trước của người là dương thì phía sau lưng sẽ thuộc âm. Về cơ bản, hướng của ngôi nhà cũng được xác định theo cách lí luận này.

Các kiến trúc nhà ở hiện đại ngày nay, vị trí làm cửa có thể ở phía trước, phía sau, bên phải hay bên trái ngôi nhà. Do đó, không nên lấy cửa làm hướng chính cho nhà nữa mà nên lấy bề mặt đón được ánh mặt trời nhiều nhất làm hướng nhà. Có như vậy mới là phương pháp xác định chính xác và hợp thực tiễn hiện nay.

Những câu hỏi thường gặp trong phong thủy nhà ở

Lựa chọn vị trí cho phòng như thế nào?

Con người có 12 sinh tiếu. Mỗi sinh tiếu của từng người đều có một mối quan hệ rất kì diệu với ngôi nhà của mình. Chúng ta có 2 bảng biểu sau đây: 

Sinh tiếu Hướng bất lợi 

Tý_Nhà ở chính Nam hướng ra chính Bắc. 

Sửu_Nhà ở Tây Nam, lệch Nam hướng ra Đông Bắc, lệch Bắc. 

Dần_Nhà ở Tây Nam, lệch Tây hướng ra Đông Bắc, lệch Đông. 

Mão_Nhà ở chính Tây hướng ra chính Đông.

Thìn_Nhà ở Tây Bắc, lệch Tây hướng ra Đông Nam , lệch Đông. 

Tị_Nhà ở Tây Bắc, lệch Bắc hướng ra Đông Nam lệch Nam. 

Ngọ_Nhà ở chính Bắc hướng ra chính Nam.

Mùi_Nhà ở Đông Bắc, lệch Bắc hướng ra Tây Nam , lệch Nam.

Thân_Nhà ở Đông Bắc , lệch Đông hướng ra Tây Nam , lệch Tây. 

Dậu_Nhà ở chính Đông hướng sang chính Tây. 

Tuất_Nhà ở Đông Nam, lệch Đông hướng ra Tây Bắc, lệch Tây.

Hợi_Nhà ở Đông Nam, lệch Nam hướng ra Tây Bắc, lệch Bắc. 

Sinh tiếu Hướng thích hợp nhất 

Tỵ, Dậu, Sửu – Nhà ở phía Đông hướng ra phía Tây. 

Tí, Thìn, Thân – Nhà ở phía Nam hướng ra phía Bắc. 

Dần, Ngọ, Tuất – Nhà ở phía Bắc hướng ra phía Nam. 

Mão, Mùi, Hợi – Nhà ở phía Tây hướng ra phía Đông. 

Những người tuổi Thân, Tý, Thìn không nên làm nhà ở phía Nam hướng ra phía Bắc. 

Những người tuổi Tỵ, Dậu, Sửu nên làm nhà ở phía Đông hướng ra phía Tây. 

Những người tuổi Dậu, Ngọ, Tuất không hợp với nhà ở phía Bắc hướng ra phía Nam. 

Những người tuổi Hợi, Mão, Mùi không hợp với nhà ở phía Tây. 

Những yếu tố nào có lợi cho ngoại cảnh nhà ở? 

Hoạ tiết hoa văn đơn giản, phóng khoáng thể hiện sự bình yên, cát lành. Do đó, các hoa văn kiến trúc phải đẹp, sáng láng mới tăng thêm hiệu quả an lành, hoà phúc. Màu sắc của tường phải thích hợp và đồng bộ với ngũ hành của ngôi nhà. Có như vậy mới tạo ra một lực mạnh mẽ toát ra từ bên trong ngôi nhà. Màu sắc của tường không nên có nhiều hơn hai màu.

Cửa chính của những toà nhà lớn hay nhà riêng đều phải đáp ứng được yêu cầu về không gian. Đó là không gian phải sáng sủa, nhiều sinh khí, hấp thu được đầy đủ ánh sáng mặt trời, thể hiện được chiều hướng phát triển và nhiều cơ hội mới. Do vậy, không nên có bất cứ đồ vật nào hoặc các địa hình tự nhiên nào che chắn, cản trở trước cửa.

Những đặc điểm làm ngoại cảnh nhà ở không hợp lí

Nhà phía trước cao phía sau thấp: Làm mất mỹ quan và không có lợi cho trạch vận ngôi nhà. 

Nhà hẹp và dài: Phía bên ngoài lại đơn điệu, hai mặt không có cửa sổ: tẻ nhạt, không đủ nguyên khí, không có lợi cho tài khí. 

Nhà rộng nhưng nông: Rất khó để tích tụ tài khí, năng lượng khó tụ, việc “ tán khí” là không thể tránh khỏi. Nếu cửa chính lại song song với nhà thì sự bất lợi càng lớn.

Nhà có góc nhọn, hình tam giác, hình thoi là xui xẻo nhất: Không tốt cho việc cư trú, sinh sống. Góc nhọn của nhà chỉ thích hợp làm nơi chứa đồ như làm nhà kho. Không nên chọn làm phòng ngủ hoặc phòng bếp. 

Nhà có hình chữ U: Tương lai xấu, mờ mịt, mang nhiều thiên hướng cô bần, bệnh tật. Những người có chức vụ cao không nên ở trong kiểu nhà loại này, bất luận là dùng làm nhà ở hay phòng làm việc đều không tốt. 

Nhà thiếu góc: Biểu hiện sự thiếu sót, hạn chế. 

Nhà có bề ngoài kì dị, kì lạ: Nhà quá nghiêng, quá lệch, mất đi sự cân đối, rất khó tích tụ tài khí. Nhà càng lệch thì mức độ ảnh hưởng càng lớn. 

Nhà quá cao, bốn bề xung quanh quá thấp: Đứng cô độc một mình, trống trải, có danh mà không có lợi. Rất khó tụ khí. 

Nhà quá thấp, quá nhỏ: Dễ bị áp bức, đè nén. Bốn bề xung quanh là các nhà cao tầng hình thành thế bất cập, càng không có lợi. 

Nhà có đỉnh nhọn, sắc, hai bên nghiêng lệch: Được gọi là “ Hàn kiên ốc”, tài khí bất tụ. Đỉnh nhà càng nhọn thì càng bất lợi. 

Trước nhà có gốc cây to hoặc nhà bị cây cối che lấp: Không có lợi cho phát triển sự nghiệp và sức khỏe. 

Nhà cũ nát, tường bong ra từng mảng: Không thể phát triển sự nghiệp. Những phần hỏng hóc, bong tróc càng nhiều thì ảnh hưởng của nó càng lớn. 

Phong thuỷ cửa ra vào và cửa sổ nhà ở

Phong thủy cửa ra vào và cửa sổ

Môn là đường ranh giới chia cách cát hung giữa gia đình và xã hội và cũng là bộ mặt của cả ngôi nhà. Chúng ta thường nói: “Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn”. Nếu mất đi đôi mắt cũng đồng nghĩa mất đi tất cả niềm sống và niềm hy vọng. Giống như vậy, cửa cũng là đôi mắt của ngôi nhà, là một bộ phận, một phần quan trọng không thể thiếu. Mối quan hệ giữa cửa chính và các cửa sổ cũng giống mối quan hệ giữa bố mẹ và con cái. Cửa chính ( bố mẹ) phải có ảnh hưởng sâu đậm đến các cửa sổ ( con cái), nếu không con cái sẽ có những sự phản kháng khó lường. 

Cửa nên làm ở vị trí nào để hoà hợp với đường đi? 

Chu Tước môn: phía trước cửa có ao hồ, đất bằng phẳng, rộng rãi và cũng có thể trước mặt là một bãi đỗ xe… Như vậy muốn tích tụ tài khí bên ngoài phải dùng cửa trung môn. Thích hợp làm cửa ở chính giữa. 

Thanh Long môn: Trong phong thuỷ, phía bên phải nhà ở có lưu thuỷ (sông, dòng chảy) gọi là Thanh Long. Địa hình theo hướng từ trên cao hướng xuống thấp. Nếu trước cửa có đường hoặc hành lang, phía bên phải có đường dài, nước chảy đến, phía bên trái có đường ngắn, nước chảy đi thì nên làm cửa bên trái để thu được địa khí. 

Bạch Hổ môn: Nếu phía trước cửa có đường lớn, bên trái có đường dài nước chảy đến, bên phải đường nhỏ, ngắn, nước chảy đi thì nên làm cửa bên phải để tích tụ địa khí. 

Phương hướng của cửa chính có ý nghĩa như thế nào? 

Hướng của cửa là do cửa hướng về phương nào định ra. Khi chúng ta đứng ở trong nhà, mặt hướng ra cửa thì phía trước mặt gọi là “hướng”, phía sau lưng gọi là “toạ”. 

Sau đây là một số hướng cửa theo mệnh trạch: 

  • Chấn trạch toạ hướng Đông, cửa chính hướng Tây. 
  • Ly trạch toạ hướng Nam, cửa chính hướng Bắc. 
  • Khôn trạch toạ hướng Tây Nam, cửa chính hướng Đông Bắc. 
  • Đoài trạch toạ hướng Tây, cửa chính hướng Đông. 
  • Càn trạch toạ hướng Tây Bắc, cửa chính hướng Đông Nam. 
  • Khảm trạch toạ hướng Bắc, cửa chính hướng Nam. 
  • Cấn trạch toạ hướng Đông Nam, cửa chính hướng Tây Bắc. 
  • Tốn trạch toạ hướng Đông Bắc, cửa chính hướng Tây Nam. 

“Tam kiến” khi vào nhà là gì? 

Khai môn kiến hồng: còn được gọi là khai môn kiến hỷ. Nếu vừa mở cửa mà nhìn thấy tường hoặc các đồ vật trang trí màu đỏ thì sẽ tạo cho con người cảm giác có nhiều niềm vui, nhiều may mắn. Màu đỏ cũng làm tăng sự ấm áp, gây hưng phấn và cảm giác thư thái cho con người. 

Khai môn kiến lục: Mở cửa mà nhìn ngay thấy màu xanh của cây cối thì sẽ tạo được rất nhiều hứng khởi, đồng thời còn có hiệu quả dưỡng thị lực. 

Khai môn kiến hoạ: Nếu từ cửa vào nhìn thấy một bức tranh hay một bức vẽ nhỏ thì điều đó thể hiện trình độ văn hoá nhận thức cao của gia chủ. Ngoài ra còn làm dịu đi sự cáu gắt từ bên ngoài sau khi bước qua cửa. 

“Tam bất kiến” khi vào nhà là gì? 

Khai môn kiến táo: sách “Dương trạch tập thành” nói rằng: “ Khai môn kiến táo, tiền tài đa hao”. Khi mở cửa vào mà nhìn ngay thấy bếp thì sẽ bị hoả khí xung nhân rất không có lợi.

Khai môn kiến xí: Vừa mở cửa ra đã nhìn thấy được nhà vệ sinh thì uế khí sẽ có cảm giác bám vào người, tất nhiên sẽ không cát lành.

Khai môn kiến kính:

Cần lưu ý vị trí lắp kính

Kính sẽ phản xạ lại tài khí và làm tài khí bị mất đi. Đó là cách nói của người xưa, còn ngày nay chúng ta có thể lí giải là việc đặt gương ở cửa là một cách làm phản khoa học. Nếu không phải là cửa bị đối diện thẳng với những vật mang uế khí thì không được đặt gương đối thẳng với cửa chính.

Thiết kế kích thước và màu sắc cho cửa chính như thế nào? 

Màu sắc của cửa chính phải có sự đồng bộ, hài hoà với màu sắc của phòng chính. Như vậy thì cửa chính mới hoàn thiện đầy đủ chức năng của nó. 

Màu sắc cát lành cho cửa theo mệnh như sau:

  • Màu sắc cát lành cho cửa mệnh Kim là: trắng, vàng, bạc, xanh da trời, xanh lục, hạt dẻ. 
  • Màu sắc cát lành cho cửa mệnh Mộc là: xanh da trời, xanh lục, vàng, xám , màu cà phê, hạt dẻ, lam. 
  • Màu sắc cát lành cho cửa mệnh Thuỷ là: xám, lam, đỏ, cam, trắng, vàng, bạc. 
  • Màu sắc cát lành cho cửa mệnh Hoả là: đỏ, cam, trắng, vàng, bạc, xanh da trời, xanh lục.
  • Màu sắc cát lành cho cửa mệnh Thổ là: vàng, nâu hạt dẻ, xám, lam, hồng, cam, tím. 

Kích thước cửa lớn phải có tỉ lệ phù hợp với diện tích phòng, nhà nhỏ không nên làm cửa quá lớn và cũng không thể làm cửa nhỏ khi diện tích nhà rộng. Đồng thời cửa cũng là bộ mặt của ngôi nhà do đó cửa phải mới, đẹp, không nên dùng cửa đã cũ, sơn bị bong tróc và xấu xí. Nếu cửa bị hỏng hóc thì nên lập tức sửa chữa hoặc thay cửa khác. 

Mối quan hệ giữa cửa nhà và phong thuỷ?

Cửa chính và cửa sổ cũng có thể tạo một ấn tượng sâu sắc, khó quên. Cửa mỗi phòng còn làm tăng thêm các cảm xúc khác nhau cho không gian của riêng phòng đó. Nếu hình tượng hóa ngôi nhà cũng là một thực thể con người thì cửa và cửa sổ chính là các túi của bộ quần áo mà con người ấy mặc lên. Cửa là đường xuất nhập của sinh khí. Cửa lớn hay nhỏ phụ thuộc vào không gian của phòng rộng hay hẹp. Thuật phong thuỷ cổ đại Trung Quốc đã đặt ra những quy định rất chặt chẽ, nghiêm khắc đối với phương vị, hình dáng, kích thước của cửa chính.

Về nguyên tắc, phương vị của cửa có cùng hướng với hướng của ngôi nhà. Nhưng cũng có lúc để cải biến phong thuỷ thì cũng có vài trường hợp ngoại lệ. 

Mỗi một vật thể đều tồn tại trong một vật thể khác lớn hơn nó. Cũng như nơi chúng ta sinh sống cũng phải có sự liên hệ với thế giới, với môi trường bên ngoài. Và sự liên hệ này được trực tiếp thông qua cửa lớn và cửa sổ. Trên thực tế cửa cũng thể hiện được tính cách và con người của chủ nhà. Nó cũng mang những đặc điểm rất cụ thể, có thể nói rõ chủ nhân là người như thế nào. Đồng thời cửa cũng có tác dụng trao đổi thông tin và năng lượng với thế giới bên ngoài. Do vậy cửa mang ý nghĩa tổng hợp và có tính bao hàm lớn, mang lại cảm giác hữu hảo, thân thiện cho con người. 

Ý nghĩa nguyên bản, xa xưa nhất của cửa và cửa sổ chỉ là những lỗ thủng ở trên tường, tạo ra đường đi lối lại cho con người. Đồng thời chúng cũng có tác dụng ngăn mưa che gió, chống nước, chống ẩm. Từ ngoài cửa trở ra là khu vực công cộng, từ trong cửa trở vào là phần riêng tư cá nhân. Do đó, Lưu Sa Hà có một bài thơ viết rằng “ Cửa khi đóng là thế giới của riêng ta” (Môn nhất quan, tựu thị gia thiên hạ).

Nhưng ý nghĩa của cửa không chỉ đơn giản là như vậy. Kết cấu kiến trúc của mỗi cánh cửa có thể là giống nhau nhưng vẫn tạo cho căn phòng có một phong cách riêng biệt. Nếu xem xét kĩ hơn thì đó chính là do mỗi cánh cửa lại có một đặc điểm độc đáo khác nhau mới tạo ra sự phong phú cá tính cho từng căn phòng của mỗi gia chủ. 

Tứ hướng chính khi làm cửa là gì? 

Bốn phương vị lớn trong kiến trúc truyền thống Trung Quốc lần lượt được phân biệt bằng hình tượng bốn con vật tâm linh. Đó là: Khổng Tước, Xà Quy, Thanh Long, Bạch Hổ. Ngoài ra còn có kiểu định nghĩa khác: tiền Chu tước, hậu Huyền vũ, tả Thanh long, hữu Bạch hổ. Một căn phòng khi làm cửa thông thường có 4 cách lựa chọn chính: khai nam môn (cửa Chu tước), khai tả môn (cửa Thanh long), khai hữu môn (cửa Bạch hổ), khai bắc môn (cửa Huyền vũ). 

Phong thuỷ học lấy việc phía trước cửa có danh đường làm cát. Nếu trước cửa có lục nhân, ao hồ, vùng đất bằng hoặc bãi đỗ xe… thì làm cửa ở chính giữa nên là sự lựa chọn đầu tiên. Nếu trước cửa không có danh đường thì tốt hơn là làm cửa ở bên trái vì bên trái là Thanh long. Mà bên phải là Bạch hổ. Thông thường phía Bạch hổ sẽ kém và xấu hơn phía Thanh long nên làm cửa ở phía bên phải sẽ không có lợi bằng. Làm cửa ở phía Bắc là cửa Huyền vũ càng không có lợi vì nó còn gọi là Quỷ môn. 

Ảnh hưởng của nhà ở bị lồi và phương pháp hóa giải

Cửa không hợp phong thuỷ cần tránh? 

Nhà có cửa chính đối diện với góc tường: Không cát lành đặc biệt là không có lợi cho sức khỏe con người. 

Lời khuyên: Cố gắng làm giảm độ nhọn của góc, làm tròn góc. Hoặc là tại vị trí thích hợp trên Huyền quan đặt một bình hoa có hình tròn để hoá giải. 

– Nhà có tỉ lệ kích thước cửa chính và diện tích phòng không hợp lí: Phòng to cửa nhỏ hoặc phòng nhỏ cửa to rõ ràng thể hiện sự không hài hòa, thống nhất, thể hiện trong ngoài bất hoà. 

Lời khuyên: Phải căn cứ vào diện tích của phòng mà làm kích thước cửa cho hợp lý. Đó mới là thượng sách. 

– Phần Huyền quan được trang trí hoàn toàn bằng gương hơn nữa lại đối thẳng với cửa lớn: Không có lợi cho phát triển sự nghiệp của gia chủ. 

Lời khuyên: Gương nên thay bằng bức tường có góc 90 độ tạo với cửa chính. 

– Nhà có cửa trước mà không có cửa sau: Hữu tiền vô hậu thể hiện sự có đầu mà không có cuối. Về phương diện an toàn thì cũng bất hợp lý. 

Lời khuyên: nên mở một cửa sổ lớn ở vị trí thích hợp phía sau để tạo đường cho khí lưu thông. 

– Cửa nhà mình quá gần với cửa nhà hàng xóm. Khi mở cửa tạo ra tình trạng cửa hai nhà đối diện nhau: Dễ tạo ra các xung đột trong gia đình và cũng không có lợi cho sự hoà hợp với mọi người bên ngoài nhà. 

Lời khuyên: Phải đổi lại vị trí cửa chính, tránh để cửa đối thẳng với cửa nhà hàng xóm. 

– Ngay trước cửa là một rãnh nước dài: Dễ dẫn đến bất hòa trong cuộc sống, không thích hợp cư trú, sinh sống ở nơi này. 

Lời khuyên: Nên chọn một ngày giờ đẹp, cát lành treo lên giữa cửa lớn một quả cầu thuỷ tinh để hoá giải “sát khí”.

– Nhà có cửa chính đối diện với cửa cầu thang máy: Cửa thang máy thường xuyên đóng mở được ví như sự cử động của miệng. Do đó khó tạo ra sự hòa thuận yên ấm trong gia đình. 

Lời khuyên: Nên thiết kế khu Huyền quan một cách hợp lí để chặn được “khí” do cửa trước thông thẳng vào cửa sau. Nhưng Huyền quan phải cao gần bằng độ cao của trần nhà, như vậy mới đạt hiệu quả tốt. 

– Cửa nhà mình đối diện 1/2 cửa nhà hàng xóm: Hai bên đối vọng, không có lợi cho sự hòa thuận, thân thiện với hàng xóm láng giềng. 

Lời khuyên: Nên chọn một ngày giờ tốt, treo một quả cầu thuỷ tinh vào chính giữa cửa để hoá giải “ sát khí”. 

– Nhà có cửa lớn cũ bẩn, bị nghiêng, bị lệch về một phía.

Lời khuyên: Nên làm cho cửa ngay ngắn, vuông vắn trở lại và phải luôn giữ cho cửa được sạch sẽ. 

– Tủ giày dép đặt ở khu vực Huyền quan quá cao hoặc tủ giày dép bên cạnh Huyền quan bị cập kênh, khập khiễng không vững: Khó gặp được quý nhân hơn nữa mọi người trong nhà dễ xích mích, không hoà thuận êm ấm. 

Lời khuyên: Chiều cao của tủ giày dép không nên cao quá 1m để giữ cho uế khí không làm ô nhiễm ngôi nhà vì khu vực Huyền quan phải luôn được giữ vệ sinh sạch sẽ. 

– Khoảng cách giữa cửa chính và bức tường ngăn quá gần: Tạo ra cảm giác bị đè nén, áp chế, hạn chế mọi sự phát triển. 

Lời khuyên: Nên mở rộng và làm sâu thêm khu vực Huyền quan để tạo ra sự cân bằng hợp lí.

Cửa nên làm ở phương vị nào thì có lợi cho thế vận? 

Vị trí và hướng của cửa có thể trợ giúp cho vận khí. Văn hoá nhà ở truyền thống cổ đại Trung Quốc cho rằng: theo kí hiệu hình bát giác có 8 phương của cửa chính. 

– Cửa hướng Bắc: làm cho sự nghiệp phát triển hưng vượng .

– Cửa hướng Đông: làm cuộc sống gia đình tốt đẹp, hòa thuận.

– Cửa hướng Nam: giúp con người dễ thành danh, nổi tiếng. 

– Cửa hướng Tây: tốt cho con cháu, con cháu luôn hiếu thảo. 

– Cửa hướng Đông Bắc: đại diện cho trí tuệ, học thuật thành công. 

– Cửa hướng Tây Bắc: Có lợi cho tính hướng ngoại, giao tiếp, ngoại giao tốt.

– Cửa hướng Đông Nam: tài vận thuận lợi.

– Cửa hướng Tây Nam: gặp nhiều may mắn, vui vẻ. 

Cùng với sự tham khảo, xem xét các yếu tố khác khi mua nhà như sự thông phong, ánh sáng mặt trời, bạn có thể lựa chọn vị trí của căn nhà kết hợp với yêu cầu của mình để chọn được hướng thích hợp với bản thân. 

Hướng cửa nên kết hợp như thế nào với màu sắc đất cho thuận lợi? 

Rất nhiều gia đình có thói quen trải thảm ở phía trước cửa. Trong phong thuỷ, thảm trải sàn cũng có một ảnh hưởng nhất định đến phong thuỷ ngôi nhà. Một phần mức độ ảnh hưởng của nó là do màu sắc thảm. Dựa theo cách lý giải của phong thuỷ, các màu sắc khác nhau có các thuộc tính khác nhau. 

Hướng của cửa nếu kết hợp đúng và hài hoà với thảm trải sàn thì vượng lại càng thêm vượng. Màu sắc của thảm trải sàn có thể dựa theo sự phối hợp như sau: 

  • Cửa hướng Đông, Đông Bắc: nên kết hợp với thảm màu đen. 
  • Cửa hướng Nam, Đông Nam nên kết hợp với thảm màu lục. 
  • Cửa hướng Tây, Tây Nam nên kết hợp với thảm màu vàng. 
  • Cửa hướng Bắc, Tây Bắc nên kết hợp với thảm màu trắng.

Ngưỡng cửa cần chú ý những gì?

Ngưỡng cửa cho nhà ở

Ngưỡng cửa là bộ phận phía dưới hoành ngang. Kiến trúc nhà truyền thống Trung Quốc không thể không có ngưỡng cửa, mọi người khi đi qua cửa đều phải bước qua khu vực này. Do vậy, ngưỡng cửa có tác dụng hòa hoãn, ngăn chặn ngoại lực từ bên ngoài. Ngưỡng cửa rõ ràng cũng là vật ngăn cách phần bên trong và bên ngoài ngôi nhà, đồng thời còn có tác dụng tránh gió tránh bụi và chặn các loại côn trùng từ ngoài bò vào trong.

Do có giá trị sử dụng rất lớn, ngoài công dụng cản trở các yếu tố bất lợi xâm nhập vào nhà, ngưỡng cửa còn có ý nghĩa rất quan trọng trong thuật phong thuỷ, đó là khả năng phòng trừ tài khí của ngôi nhà bị lọt ra ngoài. 

Khi làm ngưỡng cửa cần phải chú ý màu sắc ngưỡng cửa phải có sự đồng bộ, hài hoà với màu sắc cửa và đặc biệt tránh làm ngưỡng cửa bị đứt đoạn, chắp nối. Nếu ngưỡng cửa bị đứt đoạn thì cũng giống như xà nhà bị gãy, gấp khúc, rất không cát lành. 

Nếu ngưỡng cửa hoàn chỉnh toàn vẹn thì còn có tác dụng dưỡng trạch khí. Do đó, nếu ngưỡng cửa bị chắp nối thì phải nhanh chóng thay một ngưỡng cửa khác càng sớm càng tốt. 

Mở cửa sổ hướng nào để có lợi cho sức khoẻ? 

Lắp cửa sổ hợp phong thủy và tốt cho sức khỏe

Nhà mở cửa sổ hướng Đông: là đại cát. Vì phương Đông dương khí mạnh, nhiều ánh nắng mặt trời. Trong phong thuỷ được gọi là tía khí đến từ phương Đông. 

Nhà mở cửa sổ hướng Bắc: ở Việt Nam, nhất là ở vùng phía Bắc nước ta, mùa đông lạnh lẽo, suốt ngày có gió Bắc phương Bắc thổi tới. Mở cửa sổ hướng Bắc đặc biệt không có lợi cho việc giữ ấm vào mùa đông thời tiết giá lạnh và có tác dụng không tốt đến sức khoẻ người trong nhà. 

Đặc biệt cần chú ý là tránh cho cửa phòng, cửa sổ phòng trẻ nhỏ bị “lộ xung” (đường chiếu vào phòng) vì sẽ bất lợi cho việc học hành và những tình huống ngoài ý muốn xảy ra với trẻ. 

Cũng giống như cửa, cửa sổ cũng có tác dụng dẫn khí, ánh sáng, làm cho khí và ánh sáng được lưu thông dễ dàng từ ngoài vào trong và từ trong ra ngoài. Hướng của nguồn sáng có thể cải biến, thay đổi khí năng trong nhà. Do đó, nếu nhà của bạn được các tia sáng từ tất cả mọi hướng chiếu vào thì đó là điều lý tưởng nhất, rất tốt cho bạn. 

Những kiểu cửa sổ không hợp phong thuỷ? 

Về phương diện phong thuỷ, cửa sổ được ví như đôi mắt của con người. Ngoài cửa chính, cửa sổ là kênh thứ hai để ngôi nhà tiếp xúc, giao tiếp với thế giới bên ngoài. Hơn nữa nó còn là một khoảng không gian để thị giác tiếp xúc với ngoại cảnh. Những cảnh vật xấu hay đẹp mà chúng ta nhìn thấy đều được phản xạ trực tiếp đến não bộ và ảnh hưởng gián tiếp tới tâm tư tình cảm của chúng ta. Cổ nhân nói rằng: “Mỹ cảnh đương tiền, đối tửu cao ca” (cảnh đẹp trước mắt, muốn thưởng rượu, muốn hát ca). Nhưng nếu cảnh vật bên ngoài cửa sổ không mỹ quan, không đẹp mắt, nhìn.

Thông qua những kiến thức phong thủy ở trên, hy vọng mọi người sẽ cân nhắc và có những thay đổi tốt hơn về vấn đề phong thủy cho ngôi nhà của mình đang sinh sống. Có những kiến thức cơ bản về phong thủy cho nhà ở hiện đại mà xây dựng và bày trí một cách hợp lý nhất. Góp một phần nào đó mang đến sự tốt lành cho gia chủ về cả phương diện sức khỏe lẫn tài lộc.

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x